Steve Sawyer
Một câu chuyện riêng tư, có thật… Hồi học tiểu học, Steve Sawyer, người bị mắc chứng máu khó đông, đã bị nhiễm vi-rút HIV và viêm gan C do truyền phải máu chưa được kiểm tra. Sau đó nhiều năm, vào tuổi 19, biết rằng cái chết đã cận kề, Steve sử dụng những năm còn lại của mình để đi đến hàng trăm trường đại học, chia sẻ với các sinh viên điều mà anh đã học được về cuộc sống với hy vọng và bình an trong hoàn cảnh khủng khiếp. Hàng ngàn sinh viên đã được nghe Steve có thể nói với bạn rằng câu chuyện thật của anh về hy vọng và tình yêu của Thượng Đế đã thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Bài nói chuyện đã được hiệu đính sau đây là bài mà Steve đã trình bày tại trường Đại học California, bang Santa Barbara.
Ngoài bờ biển Maine, một con tàu hải quân đang chạy trong sương mù dày đặc. Đêm hôm đó, người chuẩn úy hải quân nhìn thấy một điểm sáng cố định từ xa và ngay lập tức liên lạc với viên thuyền trưởng của mình. “Có một điểm sáng từ xa hướng thẳng về phía chúng ta, Ông muốn tôi làm gì?” Vị thuyền trưởng bảo anh ta phát tín hiệu cho con tàu kia, để nó thay đổi hướng đi của mình. Con tàu đó phát tín hiệu ngược lại: “Không, các anh hãy thay đổi hướng đi của mình.” Vị thuyền trưởng lại hướng dẫn viên chuẩn uý ra lệnh cho con tàu đang đến kia thay đổi hướng đi của mình ngay lập tức. Câu trả lời một lần nữa lại là: “Không, các anh hãy thay đổi hướng đi của mình.” Như một cố gắng cuối cùng, viên chuẩn úy phát tín hiệu cho con tàu kia và nói: “Đây là thuyền trưởng của tàu chiến hạm hải quân Hoa Kỳ và các anh phải lập tức thay đổi hướng đi của mình.” Câu trả lời là: “Không, các anh phải thay đổi hướng đi của mình. Đây là trạm hải đăng.”
Câu chuyện này minh họa cách chúng ta hay xử lý với những đau đớn và khổ sở. Chúng ta luôn muốn hoàn cảnh xung quanh chúng ta thay đổi, hơn là thay đổi chính mình để đối diện với những hoàn cảnh ấy. Cuộc đời tôi là một ví dụ điển hình cho điều này.
Tôi mắc chứng máu khó đông bẩm sinh. Đó một sự rối loạn máu khiến cho các khớp xương bị sưng phù. Để điều trị bệnh này người ta sử dụng yếu tố gây đông máu từ nguồn máu bên ngoài. Và, khoảng từ năm 1980 đến 1983, một trong những người hiến máu cho tôi đã bị nhiễm vi-rút HIV. Kết quả là toàn bộ thuốc mà tôi đã sử dụng từ nguồn máu đó (có lẽ hàng trăm lần) đều bị nhiễm HIV. Sau này tôi cũng bị nhiễm viêm gan C do cách đó.
Người ta không nói với tôi là tôi bị nhiễm HIV, cho mãi đến khi tôi học năm cuối của trường trung học. Khi được thông báo điều này, phải ứng đầu tiên của tôi cũng khá giống với phản ứng của nhiều người khi đối diện với một điều gì đó mà chúng ta không giải quyết được. Tôi cố phủ nhận việc tôi bị nhiễm HIV và cố gắng làm như nó không tồn tại. HIV không gây đau đớn như bệnh máu khó đông. Bị máu khó đông, khi xương khớp của bạn bị sưng, đau khủng khiếp. Nhưng HIV không có triệu chứng bề ngoài nào cả. Bạn thực sự không thể nhận ra nó, do vậy rất dễ giả bộ là nó không tồn tại. Đó cũng là cách bố mẹ tôi xử lý với điều này. “Trông con khỏe lắm, trông con có sao đâu, chắc chắn là con không sao đâu”, họ nói.
Một ví dụ rất hay cho kiểu phủ nhận này là trong phim Monty Python's In Search of the Holy Grail (Monty Python đi tìm chén thánh). Trong một cảnh phim, Vua Arthur phi ngựa xuyên qua một khu rừng và gặp một hiệp sỹ mặc bộ áo giáp đen xộc xệch. Tay hiệp sỹ đứng chắn giữa đường và Vua Arthur hiểu rằng ông sẽ không thể đi tiếp nếu không đánh thắng tay hiệp sỹ này. Vua Arthur thắng trận và chặt đứt tay của người hiệp sỹ đen. Vua Arthur đút gươm vào bao, chào và bắt đầu đi tiếp, nhưng tay hiệp sỹ nói: “Không!”. Và Vua Arthur nói: “Ta đã chặt đứt tay của ngươi rồi mà!” Người hiệp sỹ nhìn vào tay và nói: “Không, ngươi vẫn chưa làm được điều đó.” Vì thế Vua Arthur nhìn xuống đất và nói: “Tay của nhà ngươi nằm đây này!” Và người hiệp sỹ đáp: “Đó mới chỉ là một ít thịt.” Vua Arthur nhận ra rằng ông phải làm cho tay hiệp sỹ này bị thương thật nặng thì hắn mới cho vua đi. Do đó trận chiến tiếp tục và Arthur đã chặt tất cả các chi khỏi thân thể của tay hiệp sỹ, cho đến khi chỉ còn lại cái thân trên đất với cái đầu ở trên. Khi Vua Arthur đã lên ngựa, vẫn nghe tiếng tay hiệp sỹ trên đất kia đang hét lên: “Hãy quay lại, đồ hèn nhát kia, ta sẽ cắn đứt đầu gối của ngươi!”
Chà, khỏi cần nói, tay hiệp sỹ kia đang cố phủ nhận. Hắn không thể đối diện với sự thật là hắn đã thua trận. Và mặc dù đây là một ví dụ khôi hài về sự phủ nhận, những nguy hiểm của việc phủ nhận là rất thật. Nếu tôi cứ tiếp tục phủ nhận sự thật là tôi bị nhiễm HIV, có thể tôi đã không cẩn thận đúng mức với những vết thương nhẹ trên tay hoặc những điều gì đó tương tự, rồi tôi có thể lây cho người khác và thậm chí giết chết một ai đó. Nhưng khi bạn phủ nhận một điều gì đó tương tự như thế, chính bạn cũng sẽ bị rất nguy hiểm và đau đớn. Khi bạn cứ gạt một điều gì đó đi thật lâu, và bạn cố gắng làm như nó không tồn tại, thì nó lại càng lớn hơn. Rồi cuối cùng nó sẽ nổ tung.
Tôi đã có thể phủ nhận rằng tôi bị nhiễm HIV trong khoảng ba năm. Tuy nhiên, vào năm cuối bậc trung học, bệnh tôi trở nên nguy kịch. Những triệu chứng của căn bệnh bắt đầu biểu hiện. Các tế bào T là những bạch huyết cầu chống lại viêm nhiễm, và số lượng tế bào T có trong bạn cho biết bạn đang bị nhiễm HIV hay đã bị AIDS. Số lượng tế bào T của tôi là 213 và ngày càng giảm xuống. Tôi rất yếu và xanh xao, và tôi không thể ăn được. Tôi không thể tiếp tục giả bộ rằng bệnh HIV/AIDS của tôi là không có thật – nó đang rất, rất thật.
Khi không thể tiếp tục phủ nhận sự thật được nữa, tôi đã tìm một cách khác để đối phó với mọi điều mà tôi đang phải trải qua. Đầu tiên, tôi tìm cách đổ lỗi cho ai đó. Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu ai đó đến và nói với tôi, “ Steven, đó là lỗi của mình đấy, anh bạn ạ. Mình xin lỗi.” Vì thế, ban đầu tôi quyết định đổ lỗi cho cộng đồng những người đồng tính. Một lối thoát dễ dàng! Nhưng sau khi nghĩ về điều này, tôi nhận ra rằng thật ngu ngốc khi đổ tội cho cả một nhóm người vì một vấn đề của tôi. Sau đó tôi quyết định đổ tội cho Chúa. Tôi không thực sự tin Thượng Đế vào lúc đó, nhưng tôi tưởng rằng nếu có ai đó kiểm soát tình hình, thì đó phải là Thượng Đế. Do đó tôi đổ tội cho Thượng Đế.
Khi bạn có một chỗ nào đó để trút toàn bộ những đau đớn bạn đã phải chịu, nó chuyển thành sự tức giận. Và dần dà nó biến thành cơn thịnh nộ. Bây giờ tôi bắt đầu xử lý với mọi thứ tôi gặp phải bằng cách nổi điên lên. Bất kỳ lúc nào, nếu ai đó nói điều gì đó làm tôi khó chịu, tôi nổi giận với họ liền. Đấm tường, đập phòng, kiểu như thế.
Nhưng tôi phát hiện ra rằng sự tức giận có thể làm mờ tâm trí tôi, và điều ấy khiến tôi không còn hành động một cách hợp lý nữa. Tệ hơn, khi tức giận, bạn làm tổn thương những người bạn yêu. Một cách tốt hơn để xử lý với những nỗi đau là khóc, bởi vì nó không làm tổn thương ai và bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Rồi có lần tôi đang ở trong phòng của mình và hết sức tuyệt vọng. Tôi rất yếu và bị sút cân rất nhiều. Tôi la hét, nguyền rủa Thượng Đế, đấm tay vào tường, đúng lúc đó thì bố tôi bước vào phòng. Ông đóng cửa lại. Bố tôi trước đây nghiện rượu nhưng nay đã cai được. Chính qua AA (Hội những người nghiện rượu vô danh, trong đó các thành viên giúp nhau bỏ rượu - ND) mà bố tôi biết về Quyền Năng Cao Hơn, bố tôi biết về Thượng Đế. Bố tôi nhìn tôi và nói: “Con biết đó, Steve, bố không thể giúp con. Các bác sỹ của con cũng không thể giúp con. Mẹ con cũng không thể giúp con. Chính con cũng không thể giúp được bản thân. Người duy nhất có thể giúp con bây giờ là Chúa.” Nói rồi bố tôi bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại.
Tôi vừa mới nguyền rủa Thượng Đế xong, nên tôi không nghĩ mình có đủ tư cách để xin Chúa giúp đỡ. Nhưng, tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi quỳ gối xuống và nói qua dòng nước mắt. “Được rồi, Chúa ơi, nếu có Ngài ở đó, hãy giúp con và con sẽ giúp Ngài.” Thật ngạc nhiên, sau một khoảng thời gian rất ngắn, tôi đã tăng cân trở lại. Số lượng tế bào T của tôi lên đến 365, một chỉ số khá tốt. Và tôi cảm thấy rất khỏe. Tôi cảm thấy rất khỏe… và chỉ thế thôi. Và tôi nghĩ: “OK, Cám ơn Chúa. Tạm biệt Ngài. Chuyện này hay thật. Tạm biệt Ngài nhé.”
Tôi tốt nghiệp trung học và đến trường đại học để thi đầu vào, vào mùa hè trước khi năm nhất bắt đầu. Đó là khi tôi gặp người bạn cùng phòng của mình. Tôi đến trường, làm xong bài thi, và cái cậu người cao, gầy, tóc hoe đứng đó. Cậu ta nói: “Này, trông cậu có vẻ cũng tử tế đấy. Có muốn chung phòng với tớ không?” Và tôi nghĩ: “Chà, OK, mày không, nhưng…” “Được thôi.” Chúng tôi trở thành bạn cùng phòng, thật ra là chúng tôi đã trở thành những người bạn thân nhất của nhau. Tôi khám phá ra rằng người bạn cùng phòng của tôi là Cơ đốc nhân. Vào thời ấy, hình ảnh một Cơ đốc nhân trong cách nghĩ của tôi là thế này. Cơ đốc nhân là một người đạo đức giả, tỏ ra khiêm nhường nhưng luôn chỉ trích. Đối với tôi Cơ đốc nhân là như thế. Nhưng người bạn cùng phòng của tôi thì khác.
Bạn tôi mắc chứng dyslexia (rối loạn ngôn ngữ và chức năng đọc - tạm dịch). Tôi để ý thấy khi học và có lúc gặp phải sự khó khăn, thất vọng, chán nản – đến mức độ mà tôi có lẽ sẽ đấm tường và đập phá đồ đạc – thì cậu ta chỉ dừng lại, nhắm mắt, nói lời cầu nguyện, hít thở và làm việc tiếp. Điều đó khiến tôi choáng váng. Tôi nghĩ: “Sao mà cậu lại không đập bể một cái gì đó nhỉ? Cậu phải đập bể một cái gì đó chứ!” Việc cậu ta có thể như vậy khiến tôi ngạc nhiên lắm.
Người bạn cùng phòng mời tôi đi nghỉ xuân cùng với cậu ta tại bãi biển Daytona. Trong khi ở đó, người bạn của tôi bắt đầu nói chuyện với một anh chàng ở gần chúng tôi trên bãi biển. Lúc đầu chúng tôi bắt đầu nói về những thứ chung, những chuyện thông thường. Sau đó bạn tôi quyết định đề cập đến vài vấn đề sâu sắc, nặng ký hơn. Tôi không muốn vướng vào những thứ đó. Tôi đã phải tranh chiến với nhiều thứ. Biết rằng bạn sắp chết vào độ tuổi sớm như tôi là một chuyện khó khăn. Và tôi thực sự không muốn nói về điều ấy với một người lạ trên bãi biển, do đó tôi như đứng ngoài cuộc đàm thoại. Họ tiếp tục trò chuyện, và cuối cùng đi đến điểm mà bạn tôi cố gắng giải thích một Cơ đốc nhân như cậu ta thì tin vào điều gì. Tôi đã luôn có một hình ảnh về một Cơ đốc nhân, nhưng chưa bao giờ thực sự biết họ tin và nghĩ như thế nào. Vì vậy tôi cố nghe lỏm điều mà bạn tôi đang nói.
Tôi không biết mình có thể giải thích tốt như bạn tôi không, nhưng đại loại cậu ta nói thế này: “Tôi tin vào Thượng Đế, rõ ràng rồi. Và tôi tin rằng Thượng Đế tạo dựng chúng ta để chúng ta ở trong mối quan hệ với Ngài. Nhưng chúng ta không muốn ở trong mối quan hệ với Ngài, vì thế chúng ta gạt Ngài đi. Việc gạt Ngài qua một bên, sự nổi loạn – dù đó là sự nổi loạn tích cực chống lại Ngài hay chỉ là sự thờ ơ thụ động – Kinh thánh gọi nó là tội lỗi. Tôi không thích từ “tội lỗi”, nên tôi nghĩ về điều đó như là việc gạt Chúa sang một bên. Và bởi vì chúng ta làm điều đó, trong khi chúng ta đã được tạo dựng để ở trong mối quan hệ với Ngài, nên chúng ta phải trả giá. Giá trả cho sự nổi loạn của chúng ta là sự chết, chúng ta chết. Và đó là chết tâm linh, vì chúng ta bị phân cách khỏi Ngài.” Tôi nghĩ “Chà, thế thì sướng quá.”
Do đó tôi tham gia vào cuộc trò chuyện: “Nhưng Chúa yêu chúng ta mà.” Và anh ta đáp lại tôi: “Nhưng Đức Chúa Trời còn công minh. Tình yêu mà không công minh thì chẳng ra gì.” Điều đó thật tình chẳng có nghĩa gì với tôi. Vậy nên anh ta nói: “Thì hãy tưởng tượng người mà cậu quan tâm nhất trên đời này, người mà cậu sẵn sàng chết vì họ. Rồi hãy hình dung chính cậu xua đuổi người đó đi và trong một thời gian rất lâu không nhìn thấy người ấy nữa. Sau đó, một ngày nào đó cậu nhìn thấy người đó đang cách cậu năm mươi thước, và cậu chạy đến với người đó và dang rộng vòng tay, nhưng họ ngăn cậu lại và nói: “Không, anh đã đuổi tôi đi, còn nhớ không? Và bây giờ hãy hình dung người bị xua đuổi, ấy là Đức Chúa Trời, người yêu vĩ đại nhất trong vũ trụ này.”
Tôi nghĩ: “Chà. Chuyện này không tốt chút nào.” Cậu ta tiếp tục nói: “Rất may là chuyện không kết thúc tại đó. Bởi vì Đức Chúa Trời yêu thương và quan tâm đến chúng ta thật nhiều, Ngài quyết định trả giá hình phạt cho chúng ta. Ngài sai Con Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-xu, để chết trên thập tự giá thay cho chúng ta. Và bởi vì Chúa Giê-xu (là Đức Chúa Trời trong xác thịt) đã sống một cuộc đời vô tội, Ngài có thể trả giá hình phạt cho người khác. Ngài đã trả giá ấy cho chúng ta.”
Và cậu ta nói: “Rồi Chúa Giê-xu đã sống lại tư trong kẻ chết sau ba ngày. Ngài đã chiến thắng cái chết tâm linh và mời gọi chúng ta đến sự sống đời đời. Giờ đây bạn không chết luôn, mà bạn sẽ tiếp tục sống vĩnh cửu với tình yêu vĩ đại nhất trong vũ trụ này.”
Tôi gật gù: “Chà” “Nhưng mà”, cậu ta tiếp tục: “điều bất ngờ là, mặc dù Ngài mời gọi chúng ta đến điều này và Ngài đã trả giá phạt, nếu bạn không tiếp nhận lời mời của Ngài… chà, thì đó là chuyện của cậu.” Tôi vẫn chưa thực sự rõ về điều này, và rất may là anh chàng kia cũng vậy. Vì thế bạn tôi minh họa: “Được rồi, giả sử cậu lái xe đến đây. Cậu đi với tốc độ 90 trong khi giới hạn tốc độ là 35. Cậu đang lao như bay trên đường thì cảnh sát vời cậu xuống và viết cho cậu cái phiếu. Để trả phạt, cậu phải đi ra tòa vào ngày hôm sau. Khi cậu bước vào phòng và nhìn lên, cậu thấy người quan tòa là bố cậu. Và cậu nghĩ: “Kìa, đây là bố mình mà.” Bố cậu nhìn vào cậu và nói: “Steve, anh có phạm luật không?” Và cậu nói: “Có.” Vậy nên ông nói: “Được rồi, phạt 500$ hoặc hai ngày trong tù.” Ông đập búa xuống bàn phán quyết và thế là hết.
“Bây giờ, vì ông ấy công minh và không thiên vị, ông ấy phải đưa ra hình phạt. Nhưng sau đó, ông ấy bước ra khỏi ghế quan tòa, cởi áo của mình, đút tay xuống túi sau và đưa cho cậu 500$. Bởi vì ông ấy yêu cậu, ông ấy sẽ trả phạt thay cho cậu. Nhưng cậu phải nhận những cái gì ông ấy đã trả. Ông ấy đang đứng đó với 500$, nói với cậu: “Tiền đây con.” Cũng giống thế, cậu có thể chỉ nói với Đức Chúa Trời: “Không, tôi sẽ sống mãi mãi không có Ngài.” Đó là sự lựa chọn mà cậu phải làm.”
Bạn tôi nói cách để nhận giá đã trả là qua lời cầu nguyện. Cậu ấy nói: “Cậu chỉ cần tiếp nhận giá mà Đức Chúa Trời đã trả. Đây là nhờ ân điển của Ngài. Chẳng có gì cậu phải làm để kiếm được điều này. Đơn giản đây là một món quà từ Đức Chúa Trời.” Đó là lần đầu tiên tôi được nghe về ân điển. Cậu ấy nói: “Đây là một món quà mà cậu có thể nhận bởi đức tin qua lời cầu nguyện.” Và bạn tôi mời anh chàng kia cầu nguyện. Và trong khi anh ta cầu nguyện lớn tiếng, tôi cũng cầu nguyện, nhưng cầu nguyện thầm.
Kể từ giây phút đó, cuộc sống của tôi có một viễn cảnh hoàn toàn mới. Tôi không còn phải lên giường ngủ mỗi đêm với sự lo lắng về việc ngày mai tôi có còn sống hay không. Tôi không còn sợ chết nữa, bởi vì chết sẽ đâu chỉ kết thúc trong sự tối tăm, mờ mịt. Giờ đây khi tôi chết tôi sẽ ở đời đời, vĩnh cửu, với tình yêu vĩ đại nhất trong vũ trụ. Điều này khiến ta thật tự do.
Bố mẹ tôi cũng đã tiếp nhận giá Chúa trả. Họ cũng cầu nguyện với Đức Chúa Trời như tôi đã làm. Và cuộc sống họ cũng đã có một viễn cảnh hoàn toàn mới. Thật kỳ diệu khi nghĩ đến việc họ cho phép tôi đi xa họ, biết rằng tôi chỉ còn sống được khoảng sáu tháng nữa. Và bạn có thể hình dung ra họ đã khó khăn thế nào khi bó tay đứng đó, và chỉ có thể nhìn con trai họ chết ngay trước mắt họ. Họ chẳng có thể làm gì. Nhưng giờ đây lý do duy nhất để họ có thể đối diện với điều đó, và cũng là lý do duy nhất của tôi, là vì mỗi chúng tôi đều đã có Chúa Cứu thế Giê-xu trong cuộc sống của mình.
Liệu tôi có thể cho bạn cơ hội tiếp nhận giá trả của Đức Chúa Trời dành cho bạn? Nếu bạn biết cách chữa AIDS, tôi chắc chắn bạn sẽ cho tôi biết. Còn tôi biết cách nhận sự sống đời đời, biết rằng đó là một món quà từ Thượng Đế. Do vậy tôi cố gắng mời bạn đến với điều đó. Nếu bạn đang trải qua một điều gì đó mà bạn không thể tự mình xử lý, và bạn muốn có ai đó đứng cạnh bạn và đỡ bạn lên khi cả thế giới đang đá và đâm sau lưng bạn, thì tôi xin bạn hãy cầu nguyện với tôi một lời cầu nguyện ngay giờ này. Đây chẳng phải là một câu ma thuật hay thần chú. Và đó cũng không phải là một sự nếm trải hoặc ý nghĩ đầy cảm xúc. Đúng hơn, đó là sự bắt đầu một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Và giống như bất kỳ một mối quan hệ nào, đòi hỏi phải có thời gian. Cần có sự cố gắng. Nhưng tôi mời gọi bạn: Nếu bạn thực sự cảm thấy bạn cần điều này thì xin đừng bỏ lỡ cơ hội. Một cơ hội miễn phí.
Như vậy, tôi sẽ cầu nguyện. Cầu nguyện không nhất thiết phải nhắm mắt hoặc cúi đầu hoặc chắp tay hay nói “Ha-lê-lu-gia!” Không phải vậy. Mà đây là thái độ của lòng bạn. Đây là nói với Đức Chúa Trời: “Chúa ơi, con đã vi phạm luật của Ngài. Con đã chối bỏ. Và con muốn trở lại tiếp nhận giá Ngài đã trả.” Nếu bạn cảm thấy cần điều đó, xin hãy cầu nguyện lời cầu nguyện này ngay bây giờ. “Chúa Giê-xu ơi, con cần Ngài. Con cám ơn Ngài đã chết trên thập tự giá cho con. Con xin Ngài bước vào cuộc đời con và biến đổi con thành con người mà Ngài đã luôn muốn con trở thành. Amen.”
Bây giờ, nếu bạn vừa thành tâm cầu nguyện lời cầu nguyện ấy, bạn đã bắt đầu một mối quan hệ vĩ đại nhất bạn từng bao giờ có – mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Và điều đó không dừng ở một lời cầu nguyện. Mối quan hệ với Đức Chúa Trời là một quá trình. Nó có nghĩa là tin tưởng Đức Chúa Trời hằng ngày, không cần thiết nổ lực làm những gì bạn muốn hay cảm thấy thích, nhưng làm những gì bạn nghĩ Chúa muốn bạn làm. Tôi đã nghe có người nói với tôi: “Cơ đốc giáo có ích cho bạn và điều đó tuyệt vời. Nhưng các tôn giáo khác lại ích lợi cho người khác thì sao?” Đó là một câu hỏi hay. Tôi tin Đức Chúa Trời cho chúng ta cách đến với Ngài – qua cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá – thậm chí nếu có những yếu tố của chân lý trong các tôn giáo khác. Phần lớn chúng là những điều luật đạo đức – “Hãy làm điều này bảy lần trong ngày và điều đó sẽ mang bạn đến gần Đức Chúa Trời.” Nhưng nếu bạn cố gắng làm việc để đến gần Chúa, thì làm bao nhiêu việc mới đủ? Làm thế nào để bạn biết bạn đã đạt tới điểm đó hay chưa?
Tôi nghĩ đó là nơi mà Cơ đốc giáo cho thấy tính chân lý của nó: trong ân điển của Đức Chúa Trời. Nhận biết rằng chúng ta chẳng bao giờ đạt được sự hoàn hảo của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nương cậy vào sự tha thứ của Ngài. Mục đích là để bước đi trong đường lối của Ngài, thậm chí nếu như chúng ta sẽ vấp váp nhiều. Bạn phạm sai lầm, nhưng bạn vẫn tiếp tục đi, bạn tiếp tục làm điều ấy, tin tưởng vào ân điển của Đức Chúa Trời. Bạn cầu nguyện, bạn đọc Kinh thánh. Bạn sẽ thấy điều Đức Chúa Trời muốn ở bạn. Rồi một ngày nào đó bạn sẽ đạt được sự bình an. Có thể bạn chưa đạt được cho đến khi bạn lên thiên đàng, nhưng khi đó sẽ là mãi mãi.
Nếu bạn đang đối diện với triệu chứng của HIV, máu khó đông, hoặc viêm gan C như Steve – hoặc có thể bạn đang đối diện với những nan đề khác trong cuộc sống – và bạn muốn thấy lời giải thích khác về điều Steve đang cố gắng chia sẻ, xin hãy xem Biết Chúa cách cá nhân.
Steve Sawyer qua đời vì viêm gan C vào ngày 13 tháng Ba, 1999. Mong ước câu chuyện thật của anh khích lệ bạn tiếp nhận Chúa Giê-xu, như Steve đã làm. Vào những ngày cuối cùng còn sống, Steve nói anh ấy muốn trò chuyện với “một trường đại học nữa thôi.” Tại sao? Nếu tôi phải bị những căn bệnh đang giết chết tôi, chỉ để một người hiểu được rằng họ có thể có mối quan hệ với Chúa Cứu Thế, thì cũng đáng lắm. Trong ánh sáng của vĩnh cửu, đó mới là điều thật quan trọng.
Chúng ta có thể có sự sống đời đời, bằng cách tiếp nhận Chúa Giê-xu. Chúng ta không thể vào thiên đàng bằng cách làm việc thiện. Sự sống đời đời là món quà miễn phí cho những ai tin vào Chúa Giê-xu. Trích từ Kinh Thánh…
" Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3:16)
"Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người." (Ê-sai 53:6)
Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. (Giăng 5:24)
"Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? " (1 Cô-rinh-tô 15:55)
" Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống. Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời." (1 Giăng 5:11-13)
Ảnh của Guy Gerrard và Tom Mills © Worldwide Challenge